Lăng Khải Định hay Ứng Lăng là nơi yên giấc ngàn thu của Khải Định đế – vị vua thứ 12 của triều Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nơi đây còn được biết đến là một trong những công trình lăng tẩm được xây dựng kỳ công nhất, thời gian xây dựng lâu nhất và hiện đại nhất.
Lăng Khải Định nằm trọn trên triền núi Châu Chữ (hay còn gọi là Châu Ê), lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án, lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “ Hữu bạch hổ”, có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”.
Lăng được khởi công xây dựng vào ngày 4-9-1920 và mất đến 11 năm mới hoàn thành. Quá trình xây dựng được chỉ huy bởi Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá cùng với sự tham gia của rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng trên cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng,…
So với lăng mộ của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích nhỏ nhất nhưng có thời gian và kinh phí xây dựng lớn nhất. Mặc dù bị lên án nhiều vì việc xây dựng đã gây ra khổ cực cho người dân, nhưng cho đến nay, Ứng Lăng vẫn được xem là một công trình kiến trúc lăng tẩm có nhiều giá trị về nghệ thuật và văn hóa.
Để vào lăng Khải Định bạn sẽ phải vượt qua một cổng chào uy nghi sừng sững với 37 bậc cấp thang có thành được đắp tượng rồng lớn nhất cả nước. Đi thêm 29 bậc nữa là sân chầu Bái Đính với hai hàng tượng lính hướng mặt vào giữa sân. Mỗi bức tượng đều được tạc vô cùng công phu và tỉ mỉ bằng các loại đá hiếm.
Cung Thiên Định là phần cao nhất và cũng là công trình chính trong tổng thể lăng. Cung được chia làm 5 phần liền nhau với hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho các lính hộ lăng, phía trước là điện Khải Thành – nơi để án thờ và chân dung của vua Khải Định. Chính giữa đặt pho tượng Bửu Tán đồ sộ do hai người Pháp thực hiện tại Pari vào năm 1920 và mộ phần vua Khải Định ở phía dưới.
Toàn bộ phần nội thất bên trong cung đều được trang trí vô cùng độc đáo với những bức phù điều ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là các bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện,…hay các vật dụng hiện đại của nhà vua như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa,…
Với sự phá cách, độc đáo cùng cái ngông nghênh, lạc lõng,… tạo ra từ phong cách xây dựng, người đời sau thường đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống đời Nguyễn. Nó là kết quả của sự giao thoa, hội nhập giữa dòng kiến trúc Á – Âu, giữa Việt Nam cổ đại và hiện đại. Bằng khối óc thông minh, sự chọn lọc tinh tế cùng những đôi tay tài hoa và khéo léo của người thợ Việt, lăng Khải Định xứng đáng là một tuyệt tác nghệ thuật về lăng tẩm có giá trị cao.