Du khách và bạn bè đến với Đà Nẵng, nếu muốn tìm hiểu về bề dày văn hóa – lịch sử của thành phố, có thể đến với Bảo tàng Đà Nẵng, nơi vẫn đang ngày ngày góp nhặt từng chút những hiện vật, những câu chuyện xoay quanh quá trình dựng xây, phát triển của con người và đô thị nơi đây.
Bảo tàng đã có bề dày lịch sử hơn 20 năm, bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 1989, tọa lạc tại địa chỉ 78 Thống Nhất – đường Lê Duẩn ngày nay. Cho đến năm 2005, nơi đây khởi công xây dựng lại tại địa chỉ 24 Trần Phú, năm 2011 chính thức chuyển dời địa điểm và khánh thành, mở cửa đón khách tham quan.
Bảo tàng nằm trong khuôn viên thành Điện Hải – địa điểm mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu cột mốc lịch sử chống Pháp anh dũng, kiên cường của nhà chiến sĩ yêu nước Nguyễn Tri Phương và con dân thành phố biển năm 1858. Với diện tích 6000m2, trong đó có hơn 3000m2 được sử dụng làm không gian trưng bày, bảo tàng đã lưu giữ và giới thiệu đến người dân khoảng 2500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử – văn hóa vô cùng giá trị về Quảng Nam – Đà Nẵng xưa và nay.
3 tầng trưng bày của bảo tàng gồm 3 chủ đề khác nhau. Tầng một dành để điểm lại các nét khái quát chung về thành phố, với các chủ đề như địa lý, lịch sử cổ đại, các hoạt động văn hóa – đời sống của người ngư dân, các làng nghề truyền thống, hình ảnh cảnh quan và sinh hoạt đô thị trước năm 1975, quá trình hội nhập và phát triển cho đến ngày nay. Lấy ý tưởng từ hình tượng biển trong lòng núi, không gian khu trưng bày tầng 1 được thiết kế vòng cung ấn tượng với điểm nhấn là cánh buồm ở giữa, giương rộng vượt trùng khơi.
Tầng 2 tái hiện lại giai đoạn lịch sử chống Pháp, chống Mỹ – Ngụy, cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ của dân tộc Việt Nam và con người Đà Nẵng nói riêng qua năm tháng. Nơi đây hiện đang lưu giữ rất nhiều tranh ảnh trực quan, cụ thể về các tội ác chiến tranh của đế quốc, cùng các phong trài yêu nước, sự chiến đấu anh dũng của từng cá nhân, tập thể con người Đà Nẵng. Tinh thần, quyết tâm, lòng quả cảm của người dân thành phố biển từ ngàn đời đã luôn được ghi nhận, đóng góp to lớn cho công cuộc giải phóng nước nhà.
Tầng 3 rất phù hợp với những ai yêu thích bộ môn khảo cổ. Nơi đây lưu giữ những hiện vật có niên đại xa nhất, từ thời điểm văn hóa Sa Huỳnh mới được khai phá. Đời sống tinh thần, không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam như Xơ Đăng, Co, Cơ Tu, Giẻ Triêng cũng được tái hiện phong phú, đầy hình ảnh, giàu sức sống qua tranh ảnh, các pho tượng, phù điêu, vật dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Bảo tàng hiện vẫn đang được quyên tặng rất nhiều hiện vật có giá trị. Mỗi tác phẩm, mỗi đồ vật, mỗi bức tranh đều gắn với một câu chuyện, một thời đại lịch sử vàng son của thành phố, đến đây để nhìn ngắm lại vàng son quá khứ, hiểu và yêu thêm thành phố nơi ta đã sinh ra và lớn lên.