Đến Huế, từ con đường Nguyễn Huệ rẽ sang Nguyễn Trường Tộ rợp mát bóng cây, bên cạnh được ngắm nhìn căn gác nhỏ nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống bạn còn được chiêm ngưỡng một nhà thờ tuyệt đẹp trên ngọn đồi nhỏ được phủ đầy sắc hoa xinh đẹp.
Có câu chuyện kể rằng, ngày xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đứng bên hàng long não, ngắm nhìn bờ sông, nhìn qua Thánh đường Phủ Cam trong những chiều sương tím Huế, loáng thoáng bước chân của người con gái Huế đi bộ qua đường để từ đó sáng tác nên những ca khúc bất hủ.
Nhà thờ nơi ngọn đồi nhỏ có tên Phủ Cam (xưa tên Phủ Cam chính là một phủ, nơi ở của các hoàng tử). Đây là nhà thờ Chính tòa tại Huế. Nhà thờ Phủ Cam tọa lạc tại địa thế cực đẹp. Bên dưới chân đồi là dòng sông thơ mộng lững lờ trôi, uốn mình cong cong như dải lụa xanh mềm trong trẻo. Hai bên bờ sông phủ rợp những bóng cây, trên thành sông, đám dây leo cùng rêu xanh bám đầy in hằn lên dấu vết của thời gian.
Đường dẫn đến nhà thờ Phủ Cam trên tuyến Nguyễn Trường Tộ. Bắt qua sông là cây cầu hình vòng cung được xây dựng theo lối kiến trúc “đậm chất Huế”. Qua cầu, đi thẳng lên một đoạn bạn sẽ ấn tượng ngay với hai tòa tháp vươn lên cao vút.
Nhà thờ Phủ Cam vươn mình trong không gian xanh mướt. Khoảng đất rộng dành cho nhà thờ phủ đầy cây xanh và những loài cây cho hoa đặc trưng ở xứ Huế. Mọi khuôn viên đều được chăm sóc vô cùng cẩn thận.
Đến đây, bạn như đang du lịch ở một đất nước châu Âu nào đó. Phía trước nhà thờ có hai tượng thánh đúc cao. Bên phải là thánh Phêrô, bên trái thánh Phaolô. Nhà thờ có hai ngọn tháp chuông cao đến 43.5m (với 12 tầng mỗi tháp), chiều dài và chiều rộng của nhà thờ là 80m x 24m. Tất cả đều xây bằng đá, có người kể rằng, để xây được 2 tòa tháp chuông này đã có rất nhiều người bỏ mạng bởi những khuôn đá to được xây lắp bằng cách thủ công.
Bước vào bên trong nhà thờ, phần mái vòm được dựng lên cao vút. Kiến trúc theo lối cổ điển này khiến các con chiên trở nên thật bé nhỏ trước chân tượng chúa. Chính giữa điện có hình thánh giá cực lớn được đúc xi măng cốt sắt. Hai bên là hai dãy cửa gương màu mô phỏng các vị thánh.
Trong lòng nhà thờ, những dãy ghế dài được xếp dọc hai bên. Sức chứa có thể lên đến 2.500 người. Vào những dịp cuối tuần hay lễ thánh, nhà thờ thường tụ tập rất đông người theo đạo.
Đặc biệt trong dịp Noel, bạn sẽ được thấy nhà thờ Phủ Cam được trang hoàng vô cùng rực rỡ, tỏa sáng với muôn ngàn ánh điện và tiểu cảnh khắp khuôn viên trong ngoài.
Phủ Cam không chỉ là một điểm đến tôn giáo mà còn là địa chỉ du lịch rất đẹp tại Huế. Nơi đây chắc chắn sẽ giúp bạn có được những bức ảnh tuyệt đẹp không khác gì nơi trời Tây.