Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 và cũng là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn, với thiết kế độc đáo mô phỏng hình dáng con rồng đang uốn lượn trên mặt sông Hàn hướng ra biển Đông, đầu rồng ngẩng cao và thân rồng uốn lượn – cầu Rồng nhanh chóng trở thành biểu tượng kiến trúc mới của thành phố.
Độc đáo kiến trúc “Có một không hai”
Cầu do Ammann & Whitney Consulting Engineers và tập đoàn Louis Berger thiết kế với kiến trúc vô cùng ấn tượng. Cầu Rồng được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, có tổng chiều dài 666,0 m, gồm 5 nhịp chính và 3 nhịp dẫn, chiều rộng 37,5m, có 6 làn xe chạy, mỗi làn 3,75 m, 2 làn đường dành cho người đi bộ. Cây cầu có kết cấu nhịp thép độc đáo nhất từ trước đến nay với hình dáng một con rồng dài 568m, nặng lên đến gần 9.000 tấn.
Ngoài ra, theo thiết kế, đây còn là một cây cầu độc đáo được thiết kế hiện đại theo công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế. Phần đầu rồng dài 18,24m, nặng 194,1 tấn; phần thân rồng dài 530m, nặng 8.405,1 tấn; phần đuôi rồng dài 19,37m, nặng 183,9 tấn; phần vảy rồng nặng 118,9 tấn.
Bán kính cong lên của cầu Rồng là 130m. Đầu rồng mô phỏng theo hình rồng thời Lý với trọng lượng hơn 40 tấn gồm 4 mảnh rời, được lắp ráp trên độ cao khoảng 24m so với mặt sông Hàn.
Có thể kể đến là nhịp vòm thép khẩu độ lớn đến 200m, lớn nhất tại Việt Nam tính cho đến nay. Bên cạnh đó, cầu Rồng có mặt cắt ngang đơn lớn nhất Việt Nam, lên đến 37,5m. Không dừng lại ở đó, cây cầu này còn có thiết kế phức hợp dầm, vòm, có dây treo dầm bê tông dự ứng lực cộng với dầm thép liên hợp có thanh căng dự ứng lực, hố móng sâu và rộng nhất Việt Nam. Kết cấu vòm được tổ hợp từ 5 ống đơn tạo hình thân rồng đặc biệt nhất thế giới.
Một kỷ lục nữa không thể không nhắc tới của cây cầu này là việc liên kết các mối nối dầm phải sử dụng tới 3.762 con bu lông cường độ cao. Khi thi công cầu, để đổ một hố móng, thường phải làm theo đợt, khoảng 3 – 4 lượt và mỗi lượt cách nhau tới một tuần. Tuy nhiên, cầu Rồng lần đầu tiên được áp dụng công nghệ đổ bê tông bịt đáy một lần liên tục, với 6.300 khối bê tông và được đổ trong vòng 36 tiếng. Nhờ áp dụng công nghệ này nên tiến độ công trình đã được đẩy lên nhanh chóng. Một điểm khác biệt nữa của cầu Rồng so với những cây cầu có vòm khác là các vòm thép của cây cầu này không nhồi bê tông, khiến cho kết cầu toàn bộ cầu được giảm đi rõ rệt.
Độc lạ Rồng phun lửa, phun mưa
Cầu Rồng gây ấn tượng mạnh không chỉ đối với người dân Viết Nam mà còn cả bạn bè quốc tế bởi khả năng phun lửa, phun nước. Cầu phun được 9 quả cầu lửa với đường kính của từng quả cầu lửa đạt từ 3 tới 4 mét và các quầng lửa đi xa từ 10 tới 15 mét.
Qua đo đạc thử nghiệm, cây cầu trong một đêm diễn, tiêu thụ từ 54 – 81 lít dầu và khoảng 2kWh điện cho việc phun lửa. Trong tương lai, hệ thống thiết bị phun lửa sẽ được cải tiến theo kiểu “Rồng ngậm ngọc”, khi phun lửa, nửa phần phía trước của viên ngọc sẽ mở ra và khi phun xong, viên ngọc sẽ tự động đóng lại.
Để giữ được vẻ thẩm mỹ cũng như độ an toàn, ban lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có quy định về việc phun lửa: “Phải phun ngắt đoạn, tạo thành từng quầng lửa với đường kính từ 2-3 mét và đi xa từ 8-10 mét, quầng lửa phải đạt tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, tuyệt đối không làm hư hại đến bề mặt và kết cấu các công trình kiến trúc. Ngọn lửa phải phun theo góc nghiêng từ 15 – 45 độ, hướng lên trên so với phương dọc cầu và không có tàn hoặc dầu rơi xuống. Dầu được đốt cháy hoàn toàn, tạo ra lửa và khói; tiện lợi cho việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng; các thiết bị phải hiện đại, an toàn tuyệt đối và hoạt động được trong các điều kiện thời tiết khác nhau.”
Tiếp sau phần phun lửa, mỗi đêm Rồng còn phun nước tầm 3 phút. Một lần phun cần 20 mét khối nước, 40kWh điện chia làm 3 lần. Rồng không phun dòng nước đặc mà phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện khát vọng vươn xa của Đà Nẵng. Để làm điều này, cầu được thiết kế bồn chứa 20 mét khối nước và 325 mét khối khí nén, tao ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc 1.944 l/s.
Hằng tuần, vào lúc 21:00 thứ Bảy và Chủ nhật, người dân thường tập trung bên hai sườn cầu, quanh khu plaza trước bờ sông và dọc đường Bạch Đằng để chứng kiến cảnh đầu rồng phun lửa, phụt nước ngoạn mục. Mỗi màn trình diễn thường kéo dài 5 phút, phun lửa 2 phút và 3 phút phun nước. Điều này khiến cho cây cầu trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo và hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng.
Dấu ấn kiến trúc trên trường Quốc tế
Sau khi khánh thành, cầu Rồng Đà Nẵng liên tiếp nhận được đánh giá cao từ các tổ chức Quốc tế. Mới đây, Cầu Rồng (Đà Nẵng) với thiết kế chiếu sáng ấn tượng vừa đoạt giải biểu dương đặc biệt của giải thưởng quốc tế IALD tại Mỹ – Giải thưởng Lighting Design 2014 trong hạng mục “Công trình quốc tế có thiết kế chiếu sáng cảnh quan xuất sắc”. Hệ thống chiếu sáng cầu gồm 15.000 đèn LED vừa đáp ứng hiệu ứng ánh sáng sống động, vui tươi cho một công trình công cộng ở một thành phố năng động như Đà Nẵng, lại vừa giữ được sắc độ chiếu sáng trang nghiêm cho biểu tượng rồng – một biểu tượng cần có biểu hiện trang nghiêm trong bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Công trình thiết kế chiếu sáng Cầu Rồng ở Đà Nẵng vừa được Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới trao giải Special Citation (Biểu dương đặc biệt) tại Mỹ.
Tại lễ trao Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc Engineering Exellence Award (EEA) – Được xem là giải Osca của ngành kỹ thuật – diễn ra tại Mỹ, cầu Rồng của Việt Nam được xướng tên nhận giải thưởng lớn (Grand Award) cùng 7 công trình và dự án của nước Mỹ và các quốc gia khác. Ngoài ra, cầu Rồng còn lọt vào top những cây cầu đẹp nhất hành tinh.
Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Cây cầu mang dáng Rồng nối đôi bờ sông Hàn làm cho dòng sông càng thêm lung linh hơn, huyền thoại hơn… Cầu Rồng thể hiện tầm vóc mới của thành phố Đà Nẵng, hiện đại, năng động, đang vươn mình ra biển Đông, một biểu tượng sinh động về sự phát triển mạnh mẽ, vững vàng, sẵn sàng hội nhập với thế giới.
Ảnh: Sưu tầm