Huế mang hơi thở mới cho du lịch của mình bằng cách khai thác và đưa du lịch tâm linh vào như một sản phẩm đặc biệt mang thương hiệu cố đô. Một trong những sản phẩm đặc biệt ấy chính là “du lịch thiền”, sản phẩm du lịch tâm linh mới được khai thác tại Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã trong thời gian gần đây.
Ngược thành phố Huế về Nam chừng 30km, đến cầu Truồi rẽ phải thêm 10km nữa, Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc trong khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã, thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giữa bát ngát sóng nước hồ Truồi, Thiện viện Trúc Lâm Bạch Mã ẩn mình trong núi, như bức tranh thủy mặc thấp thoáng tuyệt đẹp. Nhìn từ xa, Thiền viện nổi bật như một bán đảo giữa núi rừng soi mình xuống dòng nước trong xanh. Để đến tham quan Chánh Điện, Tổ Đường, Tam Quan, Lầu Chuông, Tháp Trống, Phương Trượng của Thiền viện thì điều đầu tiên bạn phải làm là chinh phục được 172 bậc tâm cấp.
Từ cổng tam quan nhìn ra, là tượng Phật Thích Ca cao 24 mét lộ thiên, ngồi thiền uy nghi trên cù lao giữa hồ. Tiếng chuông chùa vang vọng, hòa mình với tiếng lảnh lót chim muông, thỉnh thoảng lại có tiếng thú rừng tạo nên không gian thanh thoát, lắng đọng.
Công trình thiền viện được chia thành 3 khu vực: Ngoại viện, Tăng viện (khu vực chuyên tu của tu sĩ nam và phật tử nam) và Ni viện (khu vực chuyên tu của tu sĩ ni và phật tử nữ).
Thiền viện là nơi tu mang tính cách mở, nên luôn tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu muốn tâm thu thiền.Theo Đại đức Thích Tâm Hạnh, Trụ trì thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thì “thiền” là tập tu trong cõi động, làm lắng lại tư tưởng của mình. “Khi lòng rộng, lòng yên tĩnh thì trí sẽ mạnh, được phát huy. Trạng thái lắng mà sáng ấy chính là thiền” đại đức giảng về ý nghĩa thiền.
Chùa không mở lớp cố định, mà bất kỳ lúc nào phật tử có nhau cầu, thì tùy theo phật tử nam hay nữ để được các sư thầy, sư cô hướng dẫn cách tu thiền.Thiền sinh sẽ thực hiện thời gian biểu giống như mọi tăng ni khác trong chùa. Theo đó, 3h sáng thức dậy ngồi thiền 2 tiếng, tới 6h thì ăn sáng. Tiếp đó thiền sinh tham gia lao động, đây là phương pháp tập tu trong cảnh động. Ăn trưa xong, thiền sinh có 1 tiếng để nghỉ ngơi, buổi chiều là các buổi học phật và tụng kinh. Buổi tối thiền khoảng một tiếng rưỡi, tới 22h thì thiền sinh nghỉ ngơi, sáng hôm sau 3h lại tiếp tục.
Đến đây, bao nhiêu mệt mỏi, muộn phiền của cuộc sống hằng ngày bỗng tan biến đi, ban sẽ được hòa mình giữa chốn thanh tịnh để trải nghiệm với thiền để cảm nhận môi trường với những gì mình không có, trở lại lại là mình, đối diện với bản thân. Khi lòng lắng – tâm sáng chính là điểm hấp dẫn mà khách đến nơi đây, để rồi khi về, du khách mang theo mình sức sống tươi vui, nhẹ nhàng, dễ dàng cảm thông với mọi người và đủ bản lĩnh để xử trí linh hoạt trong cuộc sống.
Ngoài ra, trong hành trình khám phá đất thần kinh xứ Huế, Đền Huyền Trân công chúa, Phật đài Quán Thế Âm, chùa Từ Hiếu, Thiên Mụ và Hệ thống lăng mộ các vua nhà Nguyễn… cũng là những nơi du khách không thể bỏ qua.