Đậu hủ là món ăn dân dã vị ngọt có mặt lâu đời tại Hội An. Món này trước đây, chỉ có những người bản địa mới biết và thưởng thức, vì khách vãng lai ít ai để ý đến. Nhưng trong những năm gần đây, trước sự phát triển du lịch khá mạnh mẽ tại Hội An, nên nhiều du khách cũng đã tò mò và tìm đến nếm thử món ăn lạ miệng này.
Đậu hủ được làm từ nguyên liệu quen thuộc là đậu nành, nhưng để làm được nó là cả một quá trình chế tác không đơn giản một chút nào, nó đòi hỏi người nấu phải có kinh nghiệm “gia truyền” mới có thể làm được.
Để làm ra đậu hủ, người nấu phải dùng đậu nành tróc sạch vỏ, ngâm nước, đem xay nát rồi cho vào một tấm vải, lọc lấy tinh chất của đậu, sau đó cho vào nồi nấu pha thêm ít thạch cao cho sữa đậu dễ đông. Thạch được sử dụng ở đây là dạng khối rắn như phèn sa, phèn chua chứ không phải loại thạch cao dạng bột dùng để tô hình đắp tượng. Trước khi pha vào sữa đậu, người ta phải cho thạch vào nồi nung nóng, sau đó đem nghiền nhỏ thành bột. Cộng đoạn này đòi hỏi người nấu phải thật tỉ mỉ vì nếu như pha nước, pha thạch không đúng tỉ lệ không quen tay thì sữa đậu sẽ không đông và bị vữa.
Đậu hủ ngon đúng điệu cũng nhờ một phần không nhỏ của nước đường, vì vậy đòi hỏi người nấu phải chọn loại đường thật ngon và chất lượng, kèm theo đó phải có kinh nghiệm mới có thể thắng nước đường sao cho vừa có độ keo, ngọt lịm mà không khét. Để nước đường tăng phần đặc sắc, người nấu hay giã vào ít gừng, làm cho nước đường có vị ngọt cay nồng khó quên.
Hũ đựng đậu thường được làm bằng hũ sành giản dị, xung quanh quấn một lớp rơm(rạ) để giữ cho đậu hủ có độ êm và luôn ấm nóng bên trong, bên ngoài có một giỏ tre bảo vệ và tiện cho việc vận chuyển gánh đi, nếu có lỡ bị ngã thì phần nào cũng yên tâm khi đã được lớp tre bảo vệ hũ sành không bị vỡ.
Khi có khách đến thưởng thức, các cô hay dùng cái “muỗng” dẹt gần như phẳng để hớt đậu hủ, thành từng lát mỏng cho vào tô thêm lượng nước đường sao cho vừa người ăn, nếu bạn muốn ăn ngọt có thể xin nước đường nhiều thêm một tí. Khi ăn bạn có thể để nguyên chén hoặc trộn đều chén đậu hủ lên để ăn. Nhưng nhớ là nên ăn từ từ thôi nhé, để cảm nhận cái ngọt và vị thanh nhẹ của đường cùng với sự mềm mềm và béo béo của đậu nành, phản phất trong đó mùi gừng cay thoảng, thật tuyệt phải không nào.
Bạn có muốn đến Hội An, để cảm nhận cái ngon dân dã nhưng không kém đậm đà của món Đậu Hủ này không? Lên lịch cho một chuyến du lịch đến Hội An thôi nào!