Bạn là người có đam mê và yêu thích các tác phẩm nghệ thuật từ gốm? Vậy còn chần chừ gì nữa mà không nhanh chân đến Hội An để ghé thăm công viên gốm độc nhất, lớn nhất tại Việt Nam với kinh phí xây dựng hơn 22 tỷ đồng này!
Khi nhắc đến Quảng Nam thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến là Phố cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn, Cầu Cửa Đại. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, giới trẻ du dí về Hội An ngày càng nhiều vì để được khám phá và sống ảo trong thế giới đồ gốm khổng lồ có diện tích gần 6000m2 nằm ngay bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng.
Nằm cách Trung tâm Hội An về phía Tây khoảng 5km, Công viên Đất nung, hay còn được gọi là Công viên gốm Thanh Hà, được khởi công xây dựng cách đây 4 năm tại Làng gốm Thanh Hà 500 năm tuổi, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An., với diện tích khoảng 6000m2, nơi đây là công viên gốm lớn và độc đáo nhất trên toàn quốc với ý chủ đạo là Đất, Nước và Lửa.
Công viên gốm này được kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên thiết kế và làm chủ bao gồm hai tòa nhà chính biểu trưng cho hai loại lò nung gốm của Thanh Hà. : “lò úp” (dùng để trưng bày lịch sử, các hiện vật cổ), “lò ngửa” (trưng bày và triển lãm các sản phẩm gốm Thanh Hà cùng một số làng gốm nổi tiếng của Việt Nam: Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long…
Khi đến đây bạn sẽ được khám phá, tìm hiểu 9 không gian trưng bày với những kiến thức bổ ích về làng nghề và các sản phẩm gốm nổi tiếng của Việt Nam: khu chợ đất nung, khu lò gốm, khu vườn sắp đặt, khu thế giới thu nhỏ, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh – Chăm, khu các làng nghề truyền thống…
Điểm nhấn đặc biệt của công viên được nhiều người yêu thích là khu trưng bày các kỳ quan thu nhỏ của Thế giới như: Nhà hát Opera Sydney, Đền Taj Mahal (Ấn Độ), đấu trường La Mã (Ý)…. Đến cả những kiến trúc, di tích nổi tiếng của Việt Nam: Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), văn miếu Quốc Tử Giám, Lăng Bác… Tất cả đều được chế tác một cách đầy tinh tế và sáng tạo qua bàn tay của các nghệ nhân.
Công viên gốm giống như một bức tranh được phát họa rõ nét với màu đỏ gạch quyến rũ của tường, lối đi, cửa ngõ, màu xanh của cỏ cây……Cách bài trí cân đối, hài hòa đến tuyệt vời khi giữa công viên là hồ nước trong veo bao quanh khoảng sân tròn gợi nên hình ảnh của chiếc bàn chuốt – linh hồn của nghề gốm; một cây cầu gỗ bắc ngang nối liền trung tâm hồ với các mặt bán kính xung quanh, mô hình này mô phỏng trí tuệ của người xưa khi lợi dụng sức nước, kết củi thành mảng và chuyển về làng nung gốm.
Ngoài tham quan và chụp ảnh đến cháy pin thì bạn còn có thể tự tay tạo ra một sản phẩm bằng gốm với sự hướng dẫn của các cô, chú có tay nghề lâu năm. Thật thú vị khi tự tay mình tạo ra một tác phẩm nghệ thuật để khoe với bạn bè và gia đình phải không nào? Hi vọng đây sẽ là gợi ý thú vị cho bạn trong dịp nghỉ lễ 2/9 tới đây!